- Từ vụ quán cafe Xin chào đến thực tiễn thực hiện quy định của pháp luật về thủ tục xin cấp các loại giấy phép
Trong thời gian gần đây vụ việc quán cafe Xin chào của ông Nguyễn Văn Tấn (SN 1966, quê Long An, ngụ tại phường An Lạc, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) bị truy tố hình sự vì chậm đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sau năm ngày khai trương đã gây nên những ý kiến trái chiều trong dư luận đồng thời gây tâm lý hoang mang cho những cá nhân, tổ chức đang hoặc có dự định kinh doanh. Sự việc bắt nguồn từ việc ông Nguyễn Văn Tấn thực hiện hoạt động kinh doanh khi chưa có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chưa có Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phầm… và bị Công án huyện Bình Chánh xử phạt vi phạm hành chính ngày 13/8/2015. Đến ngày 10/9/2015, cơ quan Công an kiểm tra lần thừ hai (lúc này ông Tấn đã có giấy chưng nhận đăng ký kinh doanh) và lập biên bản xử lý vi phạm hành chính với hai lỗi: khu vực chế biến thực phẩm có côn trùng và sử dụng nước giếng khoan để sơ chế thực phầm. Sau đó, ngày 25/9/2009 Công an huyện Bình Chánh có quyết định khởi tố bị can đối với ông Tấn và ngày 11/3/2016 VKSND huyện Bình Chánh có cáo trạng truy tố ông Tấn theo khoàn 1 Điều 159 Bộ luật hình sự năm 1999 về tội “kinh doanh trái phép”. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự do thiếu các loại giấy phép khi tiến hành hoạt động kinh doanh đã gây tâm lý hoang mang trong dư luận. Người dân không khỏi lo lắng khi hiện nay vẫn còn rất nhiều trường hợp như ông Tấn vì những lý do khác nhau mà chưa có đầy đủ các loại giấy phép theo quy định của pháp luât.
Từ vụ việc quán cafe Xin chào, có thể thấy hiện nay các cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động kinh doanh đang bị bủa vây bởi các loại giấy phép. Theo thông tin từ Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)-ông Vũ Tiến Lộc đưa ra, không phải là gần 6000 điều kiện kinh doanh (giấy phép con) được ban hành mà có tới gần 7000 giấy phép con và trên một nửa không có căn cứ pháp lý để tồn tại[1]. Một con số khiến chúng ta không khỏi giật mình, với số lượng giấy phép con như trên thì đến những người làm luật cũng không thể biết hết được chứ chưa nói gì đến người dân.
- Quy định của pháp luật về việc cấp các loại giấy phép khi tiến hành hoạt động kinh doanh
Đối với cá nhân, tổ chức muốn hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thì trước hết phải xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh như giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã; giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh tuy thuộc vào mô hình kinh doanh…Với sư ra đời của Luật doanh nghiệp năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành các thủ tục và thời gian xin cấp các loại giấy phép trên đã được đơn giản hóa rất nhiều như thời gian xin cấp giấy chưng nhận đăng ký doanh nghiệp giảm xuống còn 03 ngày so với 05 ngày như trước kia…
Bên cạnh việc xin cấp giấy phép kinh doanh nêu trên, thì cá nhân, tổ chức kinh doanh trong những ngành, nghề có điều kiện thì phải đáp ứng đầy đủ những điều kiện theo quy định của pháp luật và xin cấp phép đủ điều kiện kinh doanh đối với ngành, nghề đó. Việc cấp các loại giấy phép con này sẽ do các cơ quan nhà nước quản lý ngành quy định và thực hiện, trên thực tế việc xin cấp các loại giấy phép này thường mất rất nhiều thời gian. Đây chính là rào cản rất lớn đối với những cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động kinh doanh.
- Những rủi ro pháp lý khi cá nhân, tổ chức không thực hiện thủ cấp các loại giấy phép khi kinh doanh và giải pháp
- Xử lý vi phạm hành chính
Cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động kinh doanh mà không có tiến hành xin cấp các loại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dung quy định cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì sẽ bị xử phạt như sau:
“ ….
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy đinh.
…”
Đối với các giấy phép con quy định về việc xử phạm hành chính được quy định tại nhiều văn bản khác nhau
Ví dụ: với cá nhân, tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm thì giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm là không thể thiếu. Việc thiếu giấy phép trên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 24 Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm:
“1. Xử phạt đối với hành vi kinh doanh dịch vụ ăn uống vi phạm quy định về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của cấp xã theo một trong các mức sau đây:
…
- c) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định hoặc có nhưng đã hết thời hạn trên 03 tháng;
…
- Xử phạt đối với hành vi sản xuất, kinh doanh, bảo quản thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống vi phạm quy định về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộcphạm vi quản lý của cấp huyện theo một trong các mức sau đây:
…
- c) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định hoặc có nhưng đã hết thời hạn trên 03 tháng;
…
- Xử phạt đối với hành vi sản xuất, kinh doanh, bảo quản thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống vi phạm quy định về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộcphạm vi quản lý của cấp tỉnh trở lên theo một trong các mức sau đây:
…
- c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định hoặc có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng đã hết thời hạn trên 03 tháng;
….”
Như vậy với rất nhiều loại giấy phép con như hiện nay thì nguy cơ doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính là rất lớn nếu như các cơ quan quản lý ngành không rà soát và hướng dẫn cá nhân, tổ chức kinh doanh
Về xử lý hình sự
Như đã nêu ở trên khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 thì tội kinh doanh trái phép ( Điều 159 Bộ luật Hình sự 1999) sẽ bị bãi bỏ do đó trường hợp như của ông Nguyễn Văn Tấn sẽ không tiếp tục tái diễn. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận tư bản chất của sự việc trên thì lỗi không phải ở quy đinh của pháp luật mà xuất phát từ những người thi hành pháp luật. Chính vì vậy, nếu vẫn còn tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, hạch sách, thiểu tinh thần trách nhiệm thì những trường hợp tương tự như của ông Tấn vẫn có thể xảy ra.
Giải pháp
Trong khi chờ đợi sự thay đổi từ phía các cơ quan nhà nước thì cá nhân, tổ chức cần phải tự mình hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro có thể gặp phải. Chúng ta cần chủ động nắm bắt các quy định của pháp luật thông qua việc tư vấn pháp tại các văn phòng, công ty luật trước khi kinh doanh nếu như chưa biêt rõ các quy định của pháp luật về lĩnh vực mà mình định kinh doanh. Đồng thời cần thực hiện xin cấp đầy đủ những loại giấy phép theo quy định của pháp luật, có như thế sự việc đáng tiếc như của ông Nguyễn Văn Tấn sẽ không xảy ra.
[1] http://cafef.vn/co-the-doanh-nghiep-chi-40kg-ganh-tren-lung-3-4-ta-voi-7000-giay-phep-con-thi-song-sao-noi-20160422164911128.chn